Chỉ với khoảng
không gian chừng 9 m2, bất kỳ ai cũng có thể luyện tập môn quần vợt mà không tốn
quá nhiều chi phí nhờ dụng cụ do anh Phạm Thế Khải chế tạo.
Có khá nhiều
lý do để những người yêu thích môn quần vợt (tennis) không thể ra sân chơi và
luyện tập thường xuyên như bận bịu, không đủ thời gian, không tìm được một nhóm
bạn chơi ưng ý... Và không có đủ tiền thuê thầy, thuê sân thường xuyên cũng được
xếp vào những lý do chính. Vì thế, dụng cụ tập tennis ngay tại nhà do anh Phạm
Thế Khải chế tạo có thể sẽ là lời giải cho khó khăn đó.
Hiện anh đã
đưa sản phẩm của mình đi đăng ký bản quyền sáng chế tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt
Nam và rất muốn tìm nhà đầu tư để có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong năm
2009 này. “Tôi chỉ là một giáo viên nên không có nhiều vốn đồng thời cũng không
biết rõ công việc kinh doanh”, anh giải thích.
10 năm ấp ủ
“Sao cứ thấy
nói hoài mà không đưa sản phẩm ra giới thiệu vậy?” là câu hỏi mà anh Khải chưa
thể trả lời bạn bè trong suốt hơn 10 năm qua, sau khi anh cho biết là đã sáng
chế ra dụng cụ có thể luyện tập tennis ngay tại nhà.
Ngày đó, Khải
rất mê chơi tennis nhưng không có nhiều tiền để thuê thầy và ra sân tập luyện
thường xuyên. “Bạn bè thấy tội cũng hay kéo đi chơi cùng. Nhưng chỗ người ta
chơi chứ đâu phải chỗ mình tập nên đến cũng chỉ là đánh vòng ngoài mà thôi”,
anh kể lại.
Lẽ dĩ nhiên
tập như vậy thì khó mà khá lên được. Anh bắt đầu nghĩ đến một giải pháp cho
riêng mình: chế ra dụng cụ tập tennis ngay tại nhà. Suốt 2 tháng trời anh mày
mò, thay đổi hết kiểu dáng này đến kiểu dáng kia, lúc thì định treo quả bóng
lên rồi đánh nhưng không khả thi, lúc thì định tập mà không dùng banh, nhưng
như thế thì còn gì là chơi tennis nữa. Thêm hơn 2 tháng mất ăn, mất ngủ cuối
cùng cùng thì sản phẩm cũng ra đời.
Hằng ngày,
thay vì theo bạn bè ra sân, anh ở nhà tập một mình. “Đó cũng là cách để mình có
thể tự kiểm tra chất lượng sản phẩm”, anh nói. Rồi anh đánh lên tay thật, ai
cũng phải công nhận. Khi anh kể về sản phẩm, ai cũng hào hứng muốn được “tận mục
sở thị”. Nhưng suốt hơn 10 năm qua anh phải thất hứa với bạn bè vì chưa đăng ký
được bản quyền sáng chế nên không dám giới thiệu, sợ bị đánh cắp ý tưởng thì uổng
phí công sức.
“Sản phẩm do
mình chế tạo ra mà phải lén lút. Hết cha chơi rồi con tập. Không dám giới thiệu
với ai. Thật không có cái gì khổ bằng”, anh chia sẻ. Không phải anh không đưa
lên Cục Sở hữu Trí tuệ nhưng giấy tờ chứng nhận nhiêu khê, văn phong viết thì
không đúng quy cách nên chưa đăng ký được. Nhiều lần anh định “bán lúa non”
nhưng không đành. Mãi đến cuối tháng 5.2009, được một người quen giới thiệu,
anh lại đưa sản phẩm của mình lên Cục một lần nữa.
Lần này thì
hồ sơ đã được nhận nên anh mạnh dạn đặt hàng phụ kiện để tự lắp ráp và đưa ra
lô hàng đầu tiên. Anh nói: “Nếu không có gì thay đổi thì ngày 15.8 này 100 sản
phẩm đầu tiên sẽ được đưa ra thị trường. Nhưng về lâu về dài thì tôi rất cần được
đầu tư”.
Tiềm năng sản
phẩm “made in Vietnam”
Sản phẩm có
phức tạp không? Khi hư hỏng có thể thay thế không? Sản phẩm chỉ dành cho những
người biết chơi tennis tập luyện hay dành cho cả những người chưa biết chơi...
là vô số câu hỏi mà anh nhận được khi giới thiệu sản phẩm trên website
www.vntennis.net và một số web khác từ hơn 2 tuần trở lại đây.
Anh tóm tắt
sáng chế của mình như sau: Dụng cụ gồm đế ngang được gắn chặt ở 2 đầu. Một
thanh đứng gắn ở giữa đế ngang, có thể điều chỉnh độ cao tùy ý. Trên đầu thanh
đứng là thanh đàn hồi (có thể làm bằng lò xo, cao su hoặc loại có tính đàn hồi)
có gắn hai quả bóng tennis ở hai đầu để người chơi có thể luyện tập cả tay trái
và tay phải. Cả 3 bộ phận này đều có thể tháo rời và mang theo tùy người sử dụng.
Anh đảm bảo
dụng cụ của mình có độ bền từ 5-10 năm, phần có thể hư hỏng duy nhất là 2 quả
bóng hai bên. Tuy nhiên, khi 2 quả bóng bị vỡ, người tiêu dùng có thể mang đến
cho anh thay lại với giá dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/hai quả.
Vấn đề còn lại
là giá bán của sản phẩm. “Tôi vốn không rành về kinh doanh nên 100 sản phẩm đầu
tiên khi ra thị trường tôi sẽ bán với giá khoảng 300.000 đồng/sản phẩm. Sau khi
trừ chi phí, có thể lời trên 10%. Tuy nhiên, sau này nếu có nhà đầu tư quan
tâm, chúng tôi sẽ tính toán lại để giá hợp lý để có thể nhanh thu hồi lại vốn”.
Một lý do mà anh đưa ra khi nói chuyện thay đổi mức giá là bởi tâm lý người
tiêu dùng đôi khi rẻ quá lại cho là không tốt.
Thêm nữa,
theo anh Khải, sản phẩm này không chỉ dành cho những người biết chơi tennis luyện
tập ở nhà mà dành cả cho những người chưa từng chơi tennis. Họ có thể tập luyện
như một môn thể thao cũng như làm cho mình quen dần với cảm giác bóng trước khi
ra sân. “Sau này, khi sản phẩm ra thị trường rồi tôi sẽ tặng kèm thêm một đĩa
VCD hướng dẫn những động tác cơ bản để những người chưa chơi bao giờ cũng có thể
bắt đầu ngay tại nhà”. Ngoài ra, một đối tượng mà dụng cụ này nhắm đến là huấn
luyện viên. Họ có thể sử dụng khi cùng lúc phải huấn luyện cho nhiều người.
Khi được hỏi
anh có nghĩ đến chuyện sẽ có hàng nhái, hàng giả hay chưa, anh trả lời: “Tôi
cũng nghĩ đến điều đó, tuy nhiên trong kinh doanh, chuyện này là không thể
tránh khỏi. Hy vọng những nhà đầu tư quan tâm có thể giúp tôi tìm ra những giải
pháp thích hợp nhất cho sản phẩm này”, anh cho biết.
----------------------Trích
nguồn Nhịp cầu đầu tư------------------